Pop Art là gì? Khi nói đến nghệ thuật, mỗi kỷ nguyên đều tạo ra những trào lưu và phong cách riêng biệt. Một trong những phong cách đã tạo nên làn sóng lớn trong giới nghệ thuật và vẫn còn đọng lại đến tận ngày nay chính là Pop Art.
Bắt nguồn từ những năm 1950, Pop Art không chỉ là hình ảnh màu mè, đậm chất quảng cáo và hình ảnh sao pop mà còn là biểu tượng của một thời đại và một xã hội. Nhưng thực sự, Pop Art là gì và tại sao nó lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế? Hãy cùng Cẩm Nang Nhà Đẹp khám phá sâu hơn về phong cách nghệ thuật này
TÓM TẮT
Pop Art là gì?
Pop Art- Đẳng cấp nghệ thuật đại chúng trong xã hội công nghiệp Modern
Pop Art một cụm từ rút gọn từ “Popular Art” – tức “Nghệ thuật Đại chúng”, là một dấu ấn nghệ thuật thị giác sẽ mãi mãi gắn liền với bức tranh văn hóa của thập niên 1950, thời kỳ bùng nổ của công nghiệp. Đây là một phong trào nghệ thuật chân thực phản ánh những khía cạnh vật chất trong sinh hoạt thường ngày của đại đa số người dân, với ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội Mỹ.
Pop Art không chỉ là một phong cách, nó còn là một lời tuyên ngôn về nền văn hóa pop, một văn hóa “phổ thông” nhưng chẳng hề tầm thường. Nguồn cảm hứng của Pop Art chẳng chỉ đến từ những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, mà còn lấy từ thế giới quảng cáo rực rỡ, điện ảnh lớn màn hình, những bức tranh hoạt hình đầy màu sắc, và các biểu tượng văn hóa khác…
Đặc điểm của “nghệ thuật đại chúng”
Phong cách Pop Art rất dễ nhận biết trên bất kỳ phương tiện nào bởi những điểm nổi bật của nó như:
- Đối tượng dễ nhận biết
- Chịu ảnh hưởng của tranh ảnh báo chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng
- Dạng hình ảnh phẳng phân chia theo mảng
- Ngôn ngữ hình ảnh trẻ trung có cách thể hiện táo bạo
- Màu sắc rất rực rỡ, tương phản mạnh, chủ yếu là vàng, đỏ và xanh dương
- Đặc trưng bởi những đường nét đậm, đơn giản với từng khối màu sống động đem lại một cảm giác hiện đại
Sự hình thành của nghệ thuật Pop Art ra sao ?
Pop Art lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới là giữa những thập niên 50 của thế kỷ XX tại Anh. Khi đó, IG – Independent Group được thành lập tại thủ đô London của Anh. Đây là nơi tập hợp các họa sĩ trẻ, kiến trúc sư, nhà văn, nhà điêu khắc, nhà phê bình nghệ thuật,… đưa ra các cuộc tranh luận xung quanh những tác động từ yếu tố văn hóa đại chúng đến nghệ thuật, thách thức lại quan điểm mỹ thuật truyền thống cũng như phương pháp tiếp cận văn hóa.
Trước khi nhà phê bình người Anh Laurence Alloway đặt tên cho nó là “Pop Art” vào năm 1956, dòng nghệ thuật này được biết đến với tên gọi Neo-Dada. Nó kế thừa và phát huy quan điểm của chủ nghĩa Dada, một hội tụ nghệ thuật ra đời sau Chiến tranh Thế giới I, ủng hộ việc tạo nghệ thuật từ mọi vật thể, kể cả những mảnh vụn tầm thường.
Sau đó, Pop Art dần dần lan ra các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan… và phát triển rộng rãi trên toàn thế giới.
Tại Ý, Pop Art được biết đến với nhiều hình thức khác nhau bởi các nghệ sĩ như Franco Angeli, Tano Festa, Mario Schifano,…
Tại Nhật, Pop Art được biết đến bởi Tadanori Yokoo – nhà thiết kế đồ họa tài ba thời bấy giờ.
Nga là quốc gia tiếp cận phong cách Pop Art khá “chậm chạp” và những tác phẩm nghệ thuật theo phong cách này chỉ nổi lên khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ XX.
Pop Art và tối giản/ Minimalism được xem là hai trong số các phong trào nghệ thuật tiêu biểu nhất của thời kỳ hiện đại. Một số họa sĩ nổi tiếng đại diện cho Pop Art gồm Andy Warhol, Roy Lichtenstein, David Hockney, Robert Raucshenberg, Keith Harring, Claes Oldenburg, Coosje van Bruggenare, Richard Hamilton và Peter Blake. Trong số này, Andy Warhol và Roy Lichtenstein đặc biệt đã góp phần định hình và tạo động lực cho thiết kế nghệ thuật Pop Art của thời hiện đại.
Ý nghĩa trong phong cách nghệ thuật Pop Art
Pop Art nghệ thuật mang một ý tưởng trung tâm: Tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa rõ ràng và dễ nhận diện. Nó giúp đưa nghệ thuật hội họa và điêu khắc đến gần hơn với người dân bình thường, nơi mà họ có thể dễ dàng cảm nhận và đánh giá một tác phẩm. Dù họ có thể yêu thích hoặc không, nhưng họ sẽ không cảm thấy bị áp đặt trước những tác phẩm được coi là “đỉnh cao”. Nhờ Pop Art, các bảo tàng và phòng trưng bày trở nên thân thiện và gần gũi hơn với đại chúng.
Nghệ thuật có khả năng tạo ra mọi thứ: Pop Art không chỉ chú trọng vào tác phẩm nghệ thuật mà còn vào ý tưởng đằng sau nó. Hầu hết hình ảnh sử dụng trong Pop Art thường liên quan đến những điều quen thuộc, thậm chí là những sự vật hào nhoáng mà có thể được biểu đạt một cách châm biếm. Phong cách này thường kết hợp giữa nghệ thuật trừu tượng và quảng cáo thương mại.
Phong cách hòa mình và gắn liền với nghệ thuật: Điều thu hút ở Pop Art là khả năng tiếp cận một cách dễ dàng và tính hiện đại, hài hước của nó. Các tác phẩm thường mang lại cảm giác thú vị và mới mẻ, có thể thể hiện qua tranh, điêu khắc, poster và nhiều hình thức khác, sử dụng màu sắc tươi sáng và ngôn ngữ trẻ trung. Nhiều người xem các tác phẩm Pop Art như là những trò chơi thị giác hấp dẫn.
Một phần quan trọng của Pop Art là việc nó phản ánh xã hội đương đại: Các nghệ sĩ sử dụng đời sống hàng ngày như nguồn cảm hứng không tận. Trong bối cảnh Việt Nam, họa sĩ Trần Trung Lĩnh đã gây tiếng vang trong lĩnh vực này, với các triển lãm Pop Art ấn tượng cả trong và ngoài nước. Anh coi Pop Art như một kênh để bày tỏ quan điểm và góc nhìn phản biện của mình.
Pop Art nguồn cảm hứng kết hợp với nghệ thuật
Cảm hứng từ cuộc sống vật chất, tiện nghi
Phong trào Pop Art xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc cách mạng về sản xuất và tiêu thụ. Quảng cáo thời đại này không chỉ phản ánh sự thịnh vượng mà còn trở thành biểu tượng cho thiết kế và truyền thông. Hãy nhìn vào các tác phẩm Pop Art, bạn sẽ thấy sự phô diễn của cuộc sống đầy màu sắc và động lực.
Áp dụng hình ảnh ngôi sao
Thập niên 50s-60s là giai đoạn các ngôi sao giải trí như Marilyn Monroe hay Elvis Presley chiếm trọn tình cảm của công chúng. Họ không chỉ là nguồn cảm hứng cho Pop Art mà còn giúp các tác phẩm thu hút sự chú ý của người xem hơn.
Cắt ghép hình ảnh
Đặc trưng khác của Pop Art là việc tái tạo cảm giác cắt ghép từ những trang sách, tạp chí khác nhau. Dù có vẻ thô sơ, nhưng việc kết hợp các yếu tố tưởng như không liên quan lại tạo ra một sự hài hòa độc đáo.
Màu sắc là linh hồn của Pop Art
Sự kết hợp giữa các gam màu cơ bản và màu neon tạo nên một không gian đầy sức sống và năng động. Tuy nhiên, việc lựa chọn và phối màu yêu cầu sự tinh tế để không tạo ra sự khó chịu cho mắt người xem.
Truyện tranh và hoạt hình
Cuối cùng, hoạt hình và truyện tranh cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Pop Art. Các nhân vật quen thuộc từ Disney, DC, Marvel bỗng chốc được tái hiện dưới một góc độ mới mẻ và sáng tạo. Để tạo nên sự thống nhất, việc thêm vào các đường viền và màu sắc nổi bật là điều không thể thiếu.
Phong cách nghệ thuật Pop Art trong đời sống
Nghệ thuật đại chúng trong nội thất
Pop Art là phong cách rất dễ nhận diện bởi bảng màu tươi sáng, rực rỡ. Đây là những gam màu có độ tương phản và đối chọi cao, tạo không gian sống luôn sinh động, tươi mới. Một điểm thú vị trong phong cách này chính là sự cộng hưởng và lặp lại màu sắc – echo color khiến nội thất trở nên rõ nét, sống động hơn.
Không chỉ dừng lại ở đó, Pop Art còn thể hiện tính đa chiều của ngôi nhà trong cách sử dụng ánh sáng và hình khối: mạnh mẽ, quyến rũ, táo bạo, lãng mạn.
Ngoài ra, sự ngẫu hứng của Pop Art còn đến từ những đường nét nguệch ngoạc nhưng đầy sự cá tính. Điều này là có sự ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật Underground và phong trào truyện tranh Comic của Mỹ.
Phong cách Pop Art trong kiến trúc, đồ hoạ
Phong cách Pop Art mang lại cho các công trình kiến trúc sự phá cách, tươi trẻ, bùng nổ, năng động và hoàn toàn không có chỗ cho sự đơn điệu, buồn tẻ.
Trong kiến trúc, pop art biểu hiện qua những đường nét và hình khối độc đáo, đa chiều của công trình. Những đặc điểm này không chỉ phô diễn sự sáng tạo, táo bạo mà còn toát lên một vẻ đẹp riêng, đặc biệt quyến rũ. Khi bạn bắt gặp những bức tường trang trí với các họa tiết hơi ngộ nghĩnh và độc đáo, mang phong cách của truyện tranh và nghệ thuật ngầm, đó chính là ảnh hưởng của pop art.
Tuy nhiên, ngày nay, phong cách Pop Art trong kiến trúc không quá nổi bật nhưng nó vẫn tồn tại những công trình tiêu biểu của phong cách này. Ví dụ như Dancing house – Ngôi nhà nhảy múa tại Prague, tòa thị chính ở Portland,Happy rizzi house ở Braunschweig, Đức… Và đặc biệt là những ngôi trường mẫu giáo thường sử dụng phong cách thiết kế này.
Phong cách Pop Art cùng nghệ thuật đường phố – Graffiti
Pop Art và graffiti, cả hai đã tiến bước song song trong quá trình hình thành và phát triển. Pop art, với phong cách đặc trưng, đã trở thành nguồn động viên cho biết bao nghệ sĩ đường phố vượt qua các rào cản truyền thống. Nhờ đó, những nghệ sĩ trẻ đầy tâm huyết đã mang đến những tác phẩm ấn tượng và sáng tạo.
Nghệ thuật pop art không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn là biểu hiện của các giá trị văn hóa và cộng đồng quý báu. Nhiều nghệ sĩ đã sử dụng phong cách này để thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề như bảo vệ môi trường, quyền lợi LGBT+, bình đẳng giới và nhiều vấn đề khác.
Thời trang nghệ thuật đại chúng
Trong lĩnh vực thời trang, phong cách Pop Art đã và đang trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế và không bao giờ bị trở nên lỗi thời.
Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ, năm 2014, xu hướng thời trang Pop Art trở lên ấn tượng và gây ấn tượng mạnh mẽ với các mẫu thiết kế đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Burberry,…
Tuy nhiên, Pop Art gần gũi với con người là thế nhưng bạn phải thật sự tinh tế và khéo léo trong cách chọn đồ, đừng biến bản thân thành một con tắc kè hoa trên phố. Và bạn hãy nhớ lấy một điều “Pop Art – Simple is the best” – chọn một chi tiết bắt mắt, ấn tượng và những phần còn lại là màu trơn là phù hợp nhất.
Như vậy, Camnangnhadep.net vừa giới thiệu cho bạn phong cách Pop Art là gì và một số đặc điểm của phong cách này trong các lĩnh vực như nội thất, kiến trúc, thời trang,… Hy vọng sau bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng quát về phong cách Pop Art cũng như các ứng dụng của nó trong đời sống.